Batman làm gì khi có World Cup?

Children-play-around-a-man-disguised-as-Batman-at-the-Favela-do-Metro-slum-near-to-the-Maracana-stadium-in-Rio-de-Janeiro
Batman của Rio de Janeiro chơi đùa cùng trẻ em ở khu ổ chuột Favela gần sân vận động Maracana.

Những hình thức thể thao có luật lệ tương tự bóng đá đã tồn tại từ lâu, trải dài từ các nước phương Đông cho đến phương Tây nhưng thực sự bóng đá hiện đại mới tồn tại hơn 100 năm nay. Tuy có tuổi đời ngắn ngủi nhưng bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua khi luôn thu hút và hấp dẫn một lượng người hâm mộ trung thành đông đảo nhất với đủ mọi lứa tuổi, màu da, sắc tộc trên khắp thế giới. Trong đó giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup) được tổ chức lần đầu tiên năm 1930 do Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức bốn năm một lần cho tất cả các đội tuyển bóng đá quốc gia của những nước thành viên FIFA luôn là một kỳ lễ hội thể thao náo nhiệt, sôi động và đáng mong chờ nhất năm.

Đến hẹn lại lên, World Cup 2014 đưa chúng ta đến với Brazil, đất nước của niềm đam mê bóng đá cuồng nhiệt bất tận. Tuy nhiên trong bài viết này tôi sẽ tạm gác mọi cung bậc cảm xúc thăng hoa và thất vọng của những trận đấu kịch tính trong suốt năm ngày qua, tạm bỏ qua không khí nóng rực lửa của những kẻ hâm mộ thể thao cuồng nhiệt và những gã mê cá độ để đi vào những góc khuất và khoảng tối của World Cup nói riêng và bóng đá nói chung.

2014-World-Cup-Brazil-Stadiums
12 Sân vận động, trong đó có 7 sân được xây mới và 5 sân được nâng cấp để phục vụ World Cup 2014. Các sân được xây mới bao gồm: Estadio Mane Garrincha (Brasilia, 72888 chỗ, kinh phí 900 triệu $), Arena Corinthians (Sao Paulo, 68000 chỗ, kinh phí 412 triệu $), Arena Fonte Nova (Salvador, 51708 chỗ, kinh phí 265 triệu $), Arena Cidade da Copa (Recife, 46000 chỗ, kinh phí 224 triệu $), Arena da Amazônia (Manaus, 46000 chỗ, kinh phí 300 triệu $), Arena das Dunas (Natal, 45000 chỗ, kinh phí 200 triệu $), Arena Pantanal (Cuiaba, 42000 chỗ, 240 triệu $).

Nếu như gương mặt thật của Batman ở thành phố Gotham ngày là tỉ phú Bruce Wayne, chỉ đến đêm mới biến hóa thành gã người dơi thay trời hành đạo, trừng trị kẻ ác thì Batman của thành phố Rio de Janeiro ban ngày vẫn miệt mài với công việc kỹ thuật viên phục hình răng. Chỉ đến khi hết giờ làm, anh chàng 32 tuổi Eron Morais de Melo mới khoác lên mình bộ áo Batman tự chế bất chấp mọi can ngăn của mọi người trong gia đình để đi biểu tình trong hoạt động chống World Cup và chống FIFA của người dân Brazil.

Với nhiều người dân Rio thì thành phố này chẳng khác Gotham là mấy: sự chênh lệch giàu nghèo kinh khủng, tham nhũng của bộ máy chính quyền, các băng nhóm tội phạm tràn lan với tỉ lệ tội phạm thuộc hàng cao nhất thế giới, cảnh sát tha hóa… Một biểu tượng truyện tranh đã hóa thân thành một hình tượng truyền cảm hứng ngoài đời thật của những người dân nghèo chống lại cường quyền, một chính thể gần như độc tài đội lốt dân chủ – để đòi quyền tự do, nhà cửa, giáo dục, y tế và các điều kiện sống cơ bản khác cho họ. Melo thậm chí còn được dân chúng ủng hộ tham gia hoạt động chính trị nhưng anh đã từ chối vì anh không muốn tham gia vào cái bộ máy mà chính anh đang chống lại.

Indigenous-leader-Korobo-speaks-with-activist-Eron-Morais-de-Melo-a.k.a.-Batman-during-a-protest-in-the-frame-of-the-National-Indigenous-Mobilization-Week-in-Rio-de-Janeiro-Brazil
Melo cùng tộc trưởng Korobo trong tuần lễ Tổng động viên các dân tộc bản xứ (tháng 10, 2013) sau sự kiện Confederation Cup tháng Sáu năm ngoái.

Ngày 12 tháng Sáu vừa qua tôi ngồi xem trực tiếp một lễ khai mạc World Cup tốn kém 90 triệu $ nhưng vô hồn, thiếu đặc sắc và chẳng mấy xúc cảm, thậm chí còn bị lu mờ bởi những bản tin hành lang về những cuộc biểu tình, bạo động liên tiếp của chính người dân Brazil. Những con người bản xứ biểu tình phản đối World Cup và FIFA ngay ở đất nước đăng cai World Cup 2014 từ suốt một năm qua cho đến sát giờ bóng lăn đầu tiên khiến tôi thực sự phải suy ngẫm.

Những người vô gia cư, sinh viên, công nhân, giáo viên… cùng đồng loạt biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện dịch vụ công cộng, giáo dục, y tế, làm trong sạch bộ máy nhà nước và phản đối chi phí cao khủng khiếp và tham nhũng các nguồn ngân sách World Cup.

ap-world-cup-count-down-photo-gallery-e1402435479576

 

Cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay, bom khói và bạo lực để đẩy lùi đám đông biểu tình hỗn loạn hô vang khẩu hiệu “There won’t be a Cup” trên khắp các đường phố Sao Paulo, chỉ vài giờ trước khi Brazil đánh bại Croatia 3-1 trong trận đấu khai mạc World Cup hôm 13/06. Nhiều người bị thương và bắt giữ, thậm chí cảnh sát đã phải điều động cả trực thăng đến để ổn định trật tự ở Rio de Janeiro, Belo Horizonte, Porto Alegre và nhiều thành phố khác. Mọi chuyện sẽ chẳng chấm dứt một khi bóng đã lăn vì chính họ đã khẳng định sẽ còn tiếp tục công việc của mình trong suốt một tháng World Cup tới – vào thời điểm bài viết này lên sóng, hàng triệu người Brazil vẫn đã, đang và sẽ xuống đường biểu tình ở hơn 100 thành phố khác nhau một cách không ngừng nghỉ.

Brazil Black Bloc protesters
“Batman” Melo tham gia biểu tình Black Bloc cùng người dân. Black Bloc là một hình thức biểu tình mà những người tham gia đều mặc quần áo đen, đeo khăn che mặt hoặc kính râm, mũ bảo hiểm và các thiết bị phòng hộ khác để che giấu danh tính và bảo vệ mình khỏi hơi cay và bom khói của cảnh sát.

Súng đã nổ bởi một số cảnh sát chìm mặc thường phục bất chấp nhiều đoàn biểu tình ban đầu trong trạng thái hòa bình. Theo số liệu của các hãng thông tấn thì chỉ trong ngày khai mạc đã có 47 người bị bắt và 37 dân thường bị thương. Những đứa trẻ bị hành hung và đánh đập, dân thường không cần biết đã làm gì cũng bị khám xét trái phép và bắt ngay cả khi chỉ đang quay phim, chụp ảnh. Cứu thương ăn đạn cao su khi đang sơ cứu người bị thương, phóng viên và các nhà hoạt động nhân quyền bị giam giữ và đánh đập vô nhân đạo.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi các cuộc biểu tình đã nhanh chóng chuyển sang bạo động khi người dân chứng kiến đồng bào của mình bị chính quyền đàn áp dã man nhằm mang lại một hình ảnh Brazil “tươi đẹp, hiếu khách, hòa bình, đồng lòng đón bóng đá” trong mùa World Cup để nối tiếp “thành công” của World Cup 2010 ở Nam Phi.

brazil14_world_cup_protests_015

 

Brazil có dân số gấp bốn lần Nam Phi (201 triệu dân) và là một trong những nước yêu bóng đá cuồng nhiệt nhất thế giới. Năm lần vô địch bóng đá thế giới cộng thêm việc lần gần đây nhất Brazil đăng cai World Cup đã 64 năm trước (1950) nên lẽ ra World Cup 2014 phải nhận được sự kỳ vọng và háo hức rất lớn, xứng tầm với sự kiện lễ hội lớn nhất nơi đây trong thập kỷ này.

Sự phản đối và phẫn nộ dữ dội của dân chúng Brazil có thể làm FIFA và thế giới bất ngờ nhưng tôi nghĩ giọt nước thực sự đã tràn ly – nhất là khi ly nước này trị giá đến gần 14 tỉ $ Brazil dự tính sẽ chi cho World Cup năm nay, một phần không ít trong con số khổng lồ đó sẽ đi vào túi các quan chức nơi đây – một trong những nơi có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới (40% thượng nghị sĩ chính phủ bị cáo buộc nhận hối lộ).

On-the-arches-of-the-former-Lapa-aqueduct-during-a-silent-demonstration-against-police-violence-against-protesters-political-corruption-and-demanding-better-public-services
“Batman” Melo đứng trên cầu dẫn nước ở Lapa, Rio de Janeiro trong một phút yên lặng giữa cuộc biểu tình dữ dội về đêm. Nếu không biết chúng ta sẽ dễ tưởng đây là một cảnh trong phim của Nolan.

Chỉ riêng việc xây mới bảy sân vận động và nâng cấp năm sân vận động cũ đã ngốn một khoản ngân sách 4.2 tỷ $ (cao gấp bốn lần dự toán ban đầu năm 2007 – và khi đó chính phủ Brazil thậm chí còn hứa hẹn với người dân là khoản tiền đó sẽ hoàn toàn được các tập đoàn tư nhân tài trợ chứ không phải lấy từ thuế dân), trong số bảy sân được xây mới ấy có ít nhất bốn sân sau World Cup sẽ trở thành gánh nặng nhà nước vì thành phố chủ quản không đủ sức duy trì các chi phí bảo trì hàng năm và cũng chẳng có mấy hoạt động thể thao lớn được tổ chức ở đó.

Tôi đã thấy ở đâu đó trên mạng nhiều anh hùng bàn phím chửi dân Brazil phá hoại, làm hỏng bộ mặt đất nước. Nhưng xin thưa bạn, đừng phán xét người khác khi bản thân mình không biết họ đã phải trải qua những gì. Ở đất nước Đức này tôi có quen nhiều người bạn Brazil và theo những gì họ kể thì những thông tin về chính phủ tha hóa ở Brazil chúng ta thấy trên truyền thông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu họ ở nhà vào lúc này, sẽ chẳng ai biết đến, sẽ chẳng có gì thay đổi. Những câu chuyện ấy phải được kể, được truyền đi khắp thế giới để hy vọng vào một Brazil tốt đẹp hơn, thay vì ngồi đó cam chịu vì thanh danh sĩ diện hão của đất nước.

Eron Morais de Melo: con người đằng sau chiếc mặt nạ Batman.
Eron Morais de Melo: con người thật đằng sau chiếc mặt nạ Batman.

Có lẽ chính phủ Brazil nên nhìn lại bài học của Nam Phi (World Cup 2010) nói riêng và các nước nghèo khi đăng cai một sự kiện thể thao lớn nói chung. Hãy ghé mắt sang Nam Phi xem 2.5 tỉ $ đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup giờ thế nào? Khi Nam Phi tham gia tranh cử đăng cai World Cup 2010, mọi chuyện dường như không tưởng khi nhìn vào những số liệu về đại dịch HIV/AIDS, tỷ lệ tội phạm, giết người, hiếp dâm, thất nghiệp và đói nghèo.

Nhưng tất cả mọi thứ đã bị nhấn chìm trong cơn say và niềm vui hân hoan của một lễ hội văn hóa, thể thao lớn nhất trong lịch sử đất nước, trong bộ môn thể thao duy nhất có khả năng gắn kết được hai màu da đen-trắng ở nơi từng tồn tại nạn phân biệt chủng tộc Apartheid, trong bạt ngàn công ăn việc làm thời vụ được tạo ra trong quá trình chuẩn bị World Cup…

Ảnh chụp sân vận động Arena Fonte Nova ở Salvador trong quá trình xây dựng (51708 chỗ, kinh phí 265 triệu $), nơi Đức vừa thắng Bồ Đào Nha 4-0 đêm qua.
Ảnh chụp sân vận động Arena Fonte Nova ở Salvador trong quá trình xây dựng (51708 chỗ, kinh phí 265 triệu $), nơi Đức vừa thắng Bồ Đào Nha 4-0 đêm qua.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, trong số hơn bốn tỉ $ chi cho World Cup, Nam Phi chỉ thu về được hơn một tỉ $ – nhưng điều quan trọng hơn, dân thường mới là đối tượng đang còng lưng ra trả nợ. Vậy còn những giá trị không so đo được bằng tiền thì sao?

Về bóng đá thì Nam Phi trở lại với xuất phát điểm ban đầu khi rớt từ vị trí 38 trên bảng xếp hạng bóng đá thế giới (sau World Cup) xuống thứ 65, thậm chí còn không vượt qua được vòng sơ loại của Giải Bóng đá châu Phi (Africa Cup of Nations) 2012 và World Cup 2014, năm 2013 thì may mắn được tham gia Africa Cup of Nations nhờ tư cách chủ nhà chứ không phải đấu sơ loại (thua Mali ở tứ kết). Các đội trẻ cũng gặp nhiều thất bại lớn ở các giải đấu lớn. Xét đến giải bóng đá quốc nội PSL với 16 câu lạc bộ thì chỉ có ba đội trong đó là có đều đặn trung bình 5000 khán giả đến xem một trận đấu (tức là khoảng 125,000 khán giả một mùa – chỉ gấp rưỡi lượng khán giả đi xem một trận Rugby quốc tế ở đây).

Sân vận động "Hươu cao cổ" là thứ duy nhất ngoài nợ nần FIFA để lại cho thành phố Nelspruit ở Nam Phi sau World Cup.
Sân vận động “Hươu cao cổ” là thứ duy nhất ngoài nợ nần FIFA để lại cho thành phố Nelspruit ở Nam Phi sau World Cup.

FIFA và chính phủ hứa hẹn sẽ xây trường học, nhà cửa và nước sạch ở các thành phố nghèo nhưng rốt cuộc, thứ duy nhất họ để lại là những chiếc sân vận động vô dụng, trống rỗng và nợ nần rồi biến mất. Những kẻ kiếm được lợi nhất ở đây chỉ có FIFA và các nhà tài trợ của tổ chức này. Trong số bốn sân xây mới và sáu sân được nâng cấp ở Nam Phi chỉ có duy nhất sân vận động FNB ở ngoại ô Soweto là có đủ khả năng tự chủ tài chính, còn lại đa phần là bỏ hoang và trở thành gánh nặng kinh tế (tốn hơn sáu triệu đô mỗi năm tiền bảo trì cho mỗi sân).

Đường tàu cao tốc Gautrain nối liền Johannesburg với Pretoria được xây để phục vụ nhu cầu di chuyển của khách du lịch trong một tháng World Cup trở nên quá đắt đỏ khi so sánh với mức thu nhập của phần lớn người dân Nam Phi, những đường cao tốc mới yêu cầu mức thuế cao gấp hai, ba lần lúc trước để trả nợ cho nhà nước. Các khách sạn cao cấp mọc ra để đón lượng khách du lịch tăng vọt nay ế ẩm và phải đóng cửa hàng loạt.

Hy vọng duy nhất của chính phủ Nam Phi là thông qua World Cup để quảng bá du lịch cho đất nước, một điểm đến đẹp, hòa bình, thân thiện và phần nào họ đã thành công với một kỳ World Cup rất yên bình. Nhưng tỷ lệ khách du lịch (dù chắc chắn là cao hơn trước khi tổ chức World Cup khá nhiều) cũng không thể kéo nổi lại những chi phí họ phải trả, ít nhất là trong một thập kỷ tới.

"Batman" Melo chơi đùa cùng bọn trẻ ở khu ổ chuột.
“Batman” Melo chơi đùa cùng bọn trẻ ở khu ổ chuột.

Viết một bài dài đến thế chẳng phải vì tôi không thích bóng đá mà trái lại là khác. Tôi đến với bóng đá khá sớm khi năm sáu tuổi đã được cùng bố xem kỳ World Cup đầu tiên năm 1994 ở Mỹ. Từ đó đến nay mỗi kỳ World Cup 1998, 2002, 2006, 2010 tôi đều theo dõi đầy đủ và lần này chắc cũng không phải ngoại lệ. Nhưng hẳn là không tránh khỏi những lấn cấn trong đầu với những chuyện thế này. Nói gì thì nói, giờ chúng ta đã lớn,có những vấn đề xã hội không thể làm ngơ và hơn nữa, thứ bóng đá vô tư lự giờ đã bị thương mại hóa quá nhiều so với ngày xưa.

Một đứa trẻ ngó qua cửa sổ trong khu ổ chuột Vila Flavia ở Sao Paulo.
Một đứa trẻ ngó qua cửa sổ trong khu ổ chuột Vila Flavia ở Sao Paulo.

RSI BRAZIL-WORLDCUP/ S ODD SPO SOC WCUP TPX BRA

Tận hưởng nước sạch ở khu ổ chuột Favela.
Tận hưởng nước sạch ở khu ổ chuột Favela.

000_Was8182029_m

One thought on “Batman làm gì khi có World Cup?

Leave a comment