CLOUD ATLAS – A Human’s Epic Tale

Viết ngày 29/12/2012

Cảnh báo có tiết lộ nội dung phim!

Người ta nói một bản nhạc hoàn hảo, một bản nhạc mẫu mực thì khi bắt đầu bằng nốt nhạc nào, cũng sẽ kết thúc bằng nốt đấy. Cloud Atlas chính là một bản nhạc như vậy. Tự thân cái tên “Cloud Atlas” của bộ phim vốn cũng được lấy từ Bộ Lục tấu do nhà soạn nhạc Robert Frobisher (câu chuyện số hai trong sáu câu chuyện) viết ra nên so sánh trên là cực kỳ chuẩn xác. Sáu câu chuyện, sáu cung bậc tình cảm khác nhau đưa ta vào một vòng quay bất tận và sau gần ba tiếng mọi thứ lại quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.

Nhưng tại sao Robert Frobisher lại đặt tên bản nhạc đó là Cloud Atlas – Vân Đồ?
Mỗi con người như một giot nước trong đại dương bao la vô tận, không có điểm bắt đầu và cũng không có nơi kết thúc. Vòng đời của mỗi giọt nước nhỏ bé ấy là một chu kỳ bất tận: nước theo mưa từ mây rơi xuống đất, theo sông chảy ra đại đương, ở đây nước lại bốc hơi tạo thành mây và rơi xuống tiếp thành mưa ở vẫn những đại dương ấy. Đời ta không chỉ của riêng ta mà cùng rất nhiều người khác tạo thành một bản đồ mây, sẽ còn đầu thai và tái ngộ ở những kiếp sau. Những hành động/quyết định của bạn sẽ còn tác động và ảnh hưởng qua lại mãi về sau. Cho dù đó là thiện nghiệp hay ác nghiệp thì nó đều khai sinh ra tương lai của chính mình.

Cloud Atlas được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của David Mitchell viết năm 2004. Vốn là một người thường xuyên đọc sách nên tôi cảm thấy khá hứng thú với sự thú vị và mới lạ của quyển truyện này. Tôi phải thú nhận rằng nó mới lạ đến mức làm một người vốn không quan tâm đến mấy chủ đề kiểu kiếp trước kiếp sau, đầu thai, nghiệp chướng… như mình thay đổi và đọc nó say mê.
Dù sao thì tôi cũng không hy vọng lắm vào một phiên bản phim của nó vì hai lý do.

Một, tôi nghĩ đây là một tác phẩm dạng không-thể-chuyển-thể-lên-phim. Nó quá dài, quá rối rắm, đa tầng đa nghĩa và không thích hợp với định dạng phim truyện. Hai là Hollywood vốn đã quá nổi tiếng với khả năng phá hoại nhiều tác phẩm văn học. Nhưng khi xem trailer tôi đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩ đó: chị em nhà Wachowski và đạo điễn Tom Tykwer đã làm quá xuất sắc công việc của mình. Họ đã giữ đúng lời hứa: vừa truyền tải hết nội dung sâu sắc của tác phẩm này đồng thời vẫn phần nào mang tính giải trí và phần nào hướng đến khán giả đại chúng. Trailer hay nhất và dài nhất từ trước đến giờ tôi được xem! Dẫu có đôi chút hụt hẫng vì Cloud Atlas không được 10 điểm như trailer của nó hứa hẹn nhưng nó cũng xứng đáng với một điểm 9+. Điều thú vị ở chỗ: Cloud Atlas là một phim độc lập (indie) có kinh phí lớn nhất cho đến giờ (100 triệu đô, chủ yếu từ nguồn tài trợ của các nhà đầu tư, tiền riêng của chị em nhà Wachowski, tiền quỹ hỗ trợ của chính phủ Đức…) nên nhiều người hay nhầm lẫn nó thành bom tấn (blockbuster). Cái lúc đọc thông tin này tôi đã hơi mỉm cười: đa phần phim indie đều có nét đáng chú ý cả. Có thể nhiều phim không xuất sắc, hay không đến mức tuyệt phẩm nhưng nó luôn có những bản sắc riêng, những giá trị độc đáo mà những phim mainstream không có được. Đó là điều tạo nên sự khác biệt.

Cloud Atlas là một bộ phim có giá trị xem lại cao.
Số phim từ năm 2000 cho đến nay mà tôi xem hơn một lần có lẽ chỉ đếm được trên một bàn tay. Cho đến thời điểm viết bài review này, tôi đã đọc truyện hai lần và xem phim hai lần. Một lần ngoài rạp và một lần sau khi dịch xong trọn vẹn bộ phim. Lần xem sau mọi thứ đột nhiên trở nên giàu cảm xúc hơn. Thậm chí đã rơm rớm trong 30 phút cuối. Cả phim nhiều phân cảnh có tác động mạnh: lúc chỉ huy Hae-Joo Chang chết khi quân đội chính phủ tấn công, cảnh tái chế Người Nhân bản ở nhà máy Papa Song, cảnh làng của Zachry bị bọn Kona phá hủy, cảnh vợ chồng Adam – Tilda tái ngộ, cảnh làm tình của Hae-Joo Chang và Sonmi-451, đoạn Sonmi-451 nói với Lưu trữ viên “Đã có người tin rồi đấy”, cảnh trong mơ của Robert Frobisher…

Nói một cách ví von “bậy bạ” thì Cloud Atlas giống như khi bạn làm tình ba lần một đêm vậy. Đầu tiên cả hai còn đang thèm khát nhau, vì chưa quen với thân thể đối phương nên hai bên cứ vờn và vuốt ve mơn trớn nhau mãi. Mọi thứ dần được đẩy lên cao trào, hai hòa thành một, sáu kết nối thành một. Đó là lúc cơn cực khoái lần một ập đến. Sau đó bộ phim lắng xuống trong một thời gian ngắn như để cho khán giả nghỉ dưỡng sức, chuẩn bị cho cơn cực khoái lần hai. Rồi lần ba. Mỗi lần nó lại mãnh liệt và kéo dài hơn lần trước. Mệt mỏi nhưng đầy thỏa mãn.
Nếu phải nêu ra một lí do chính khiến bộ phim chỉ được 9/10 thì chắc là do cuốn tiểu thuyết. Tham vọng là tốt. Nhưng một khi nó vượt qua khỏi khả năng và tầm kiểm soát của mình, nó sẽ tạo ra cảm giác chút hơi hụt hẫng không tới. Chứ còn theo ý kiến cá nhân thì ba đạo diễn cực kì tuyệt vời. Hai điểm trừ nhỏ nữa có lẽ là hóa trang (khá thất thường, lúc tốt lúc tệ – có lẽ là vì đoàn làm phim chia thành hai bên và hoạt động hoàn toàn độc lập, trừ đạo diễn và diễn viên chung) và hai là những cảnh hành động không đặc sắc cho lắm.

Điều đầu tiên khiến tôi nhớ đến Cloud Atlas là âm nhạc.
Bản thân là một nhà soạn nhạc nên toàn bộ nhạc nền (Score) của phim là do đạo diễn Tom Tykwer cùng viết với hai người đồng hành quen thuộc Johnny Klimek và Reinhold Heil. Bộ ba này vốn đã làm việc cùng nhau từ lâu trong mấy phim của Tom Tykwer đạo diễn như The Perfume, Run Lola Run, The International… Ngoài ra họ cũng có viết một phần nhạc cho Ma Trận.
Phải thú thật đây là score hay nhất tôi từng được nghe. Bạn có thể nghe đủ 26 bài ở ĐÂY. Mỗi lần nghe cái danh sách trên là sởn cả da gà vì nhiều cung bậc, sắc thái tình cảm khác nhau quá.

“Opening Title” căng thẳng như đàn mới lên dây, mọi chuyện còn quá mới, quá hồi hộp, tất cả chỉ là khởi đầu mà thôi. Thế mà tim ta lúc này đã như muốn vỡ òa ra vì mọi chuyện vào guồng quá nhanh và ta vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.

“Sloosha’s Hollow” bí ẩn, rờn rợn như bản thân Già Georgie trong câu chuyện thứ Sáu. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống.

“Won’t Let Go” và “The Escape” đẩy mọi thứ lên cao trào lần thứ nhất, máu ta sôi sục trong mạch, adrenalin tràn dâng trong cơ thể. Tim như đang chạy đua với thời gian. Nhanh, nhanh nữa đi. Và đỉnh điểm của đường parabol ấy là cơn cực khoái tuôn ra ào ạt, nhưng rồi cũng chính nó lại dìu ta đi xuống để chuẩn bị cho những cao trào tiếp theo.

“Temple of Sacrifice” lại nhẹ nhàng, đằm thắm, da diết, nó làm ta nhớ lại một mối tình cũ còn dang dở, một thời yêu đương chinh chiến dại khờ. Nếu đã kết thúc đường ai nấy đi rồi thì thôi không nói làm gì, nhưng chuyện tình dở dang lại khác. Dường như nó có thể ám ảnh ta cả đời. Giống như đang đọc một cuốn sách hay thì mất nửa sau vậy. Đã bao giờ bạn có cảm giác phát điên lên như vậy chưa?

“All Boundaries Are Conventions” có chút gì đó dịu êm, thanh thoát như một làn gió thu ở giữa cánh đồng hoa. Đầu óc ta thấy bình yên và thanh thản. Ngọn gió đưa ta vượt lên khỏi những mệt mỏi, định kiến, những luật lệ gò bó, những quy định. Ta sinh ra, được nuôi dạy, uốn nắn bởi bố mẹ, nhà trường, xã hội. Nhưng liệu đó có phải là bản chất thật sự của mình không? Nếu không thì khoảng cách giữa ta và nó là bao nhiêu? Ranh giới là gì? Liệu ranh giới do con người đặt ra có phải là để ta vượt qua? Cái gì được phép vượt qua và cái gì không được phép vựot qua? Mà vượt qua để làm gì? Nếu bạn đủ may mắn thì bạn sẽ khám phá ra nó đủ sớm…

“Chasing Luisa Rey” đưa ta đến cơn cực khoái thứ hai. Một cảm giác kì lạ trộn lẫn giữa kích thích, sung sướng và mệt mỏi. Trống đập liên hồi, căng thẳng lên quá cao, có nên dừng lại tạm nghỉ một chút đã rồi mới lại tiếp tục không nhỉ? Điệu nhạc như vờn lấy ta vậy, tiến rồi lại lùi, sang trái rồi lại sang phải, ngỡ đang lên mà lại là đi xuống.

Nhưng đỉnh cao nhất phải nói đến “Death Is Only A Door”. Hoàn hảo. Đẹp đẽ. Buồn man mác. Day dứt. Nhưng nó không hề tuyệt vọng chút nào. Chết chưa chắc đã là hết. Quan trọng là bạn đã sống hết sống trọn vẹn hay chưa. Thêm nữa dường như lúc nào cũng có một cánh cửa mở ra cho chúng ta. Cái này đóng lại, cái khác sẽ mở ra. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc kết thúc nên hãy trân trọng từng cuộc gặp gỡ, từng mối giao duyên trong cuộc đời này. Phân cảnh dùng bản nhạc này – phân cảnh Hae-Joo Chang chết là một trong những phân cảnh giàu cảm xúc nhất phim với tôi. Tôi không nghĩ ra một phân cảnh phim hiện đại nào có thể kết hợp âm nhạc với hình ảnh một cách hài hòa và tuyệt vời như vậy.

Nếu phải kể thêm một phân cảnh giàu biểu cảm thì đó phải là cảnh Sixsmith và Frobisher ném đĩa trong cửa hàng đồ sứ. Một cảnh quá đẹp của Frobisher và Sixsmith trong cửa hàng đồ sứ nhưng nhiều bạn không hiểu đã hỏi mình liệu ngoài đẹp ra thì ý nghĩa của nó là gì. Thực ra nếu đọc truyện rồi thì sẽ nhận ra ngay phân cảnh này là một giấc mơ mà Frobisher đã kể cho Sixsmith qua thư.

“Sixsmith,
Dreamt I stood in a china shop so crowded from floor to far-off ceiling with shelves of porcelain antiquities etc. that moving a muscle would cause several to fall and smash to bits. Exactly what happened, but instead of a crashing noise, an august chord rant out, half-cello, half-celeste, D major (?), held for four beats. My wrist knocked a Ming vase affair off its pedestal — E-flat, whole string section, glorious, transcendent, angels wept. Deliberately now, smashed a figurine of an ox for the next note, then a milkmaid, then Saturday’s Chld-orgy of shrapnel filled the air, divine harmonies my head. Ah, such music! Glimpsed my father totting up the smashed items’ values, nib flashing, but had to keep the music coming. Knew I’d become the greatest composer of the century if I could only make this music mine. A monstrous Laughing Cavalier flung against the wall set off a thumping battery of percussion.”

Frobisher mơ mình đứng cùng Sixsmith trong một cửa hàng đồ sứ chật chội đầy những giá, những chạn đựng bát đĩa. Chỉ cần một cử động nhỏ cũng có thể làm mọi thứ không ngừng tuôn rơi. Nhưngt hay vì tiếng bát đĩa vỡ thì lại vang lên âm nhạc của bộ lục tấu Vân Đồ! Đó chính là cảm xúc của Frobisher khi anh viết Bộ Lục tấu Vân đồ: Frobisher tin rằng anh và Sixsmith sẽ còn tái ngộ nhau ở thế giới khác. Một thế giới tốt đẹp hơn, một nơi tình yêu của hai người không bị cấm đoán. Âm nhạc và tiếng ồn cũng chỉ mang tính quy ước, luật lệ quy tắc là do con người đặt ra và cũng do con người thay đổi, nếu tiếng ồn có thể trở thành âm nhạc thì hai người đàn ông yêu nhau cũng có thể trở thành bình thường!

Hay như một “Finale” hài hòa và mẫu mực. Mọi chuyện đã kết thúc rồi. Tưởng đóng mà lại mở. Tưởng mở mà lại đóng. Hay nó chỉ là ảo giác của một vòng lặp bất tận? Cái cảm giác Déjà Vu này sao lại cứ đi theo ám ảnh lấy chúng ta mãi?
….

Cloud Atlas xứng đáng được giải Best Film Editing.
Chuyển thể từ 500 trang tiểu thuyết dày đặc nội dung đa tầng đa nghĩa với sáu câu chuyện và ta có gần ba tiếng phim. Tính ra mỗi câu chuyện chưa được 30 phút. Làm sao để mở đầu? Lên cao trào? Làm sao để kết thúc? Làm sao để giới thiệu, xây dựng và liên kết nhân vật? Chưa xét đến việc các đạo diễn phải chứng minh cho thấy câu tagline “Everything is connected” không chỉ là nói suông, giả sử là sáu truyện này không liên quan gì đến nhau thì với thời lượng ít như vậy cũng đã là cả một vấn đề nan giải. Có lẽ không còn cách xử lí nào tinh tế và tốt hơn được nữa. Vậy điều gì mấu chốt khiến nó trở nên tinh tế? Tất nhiên ta luôn phải nói trước rằng, những luật lệ quy định trong lĩnh vực nghệ thuật chỉ mang tính tương đối, những tác phẩm vượt qua khuôn khổ thông thường lại là những tác phẩm xuất sắc nhất. Nhưng để phá luật thì trước hết bạn phải hiểu rõ luật, phải xử lí được nó một cách hoàn hảo trước đã.
Phim cũng giống như nhạc, yếu tố quyết định ở đây là “in time” – cả bộ phim duy trì được đúng tốc độ và nhịp điệu như nó phải thế, chứ không chậm lúc đầu và hơi gấp gáp về sau. Thế không có nghĩa là cả bộ phim đều đều như nhau, vì nhịp độ khác tốc độ. Giống như bạn chơi một bản nhạc, có lúc thăng, có lúc trầm, có lúc mãnh liệt, có lúc dịu êm. Tốc độ đương nhiên là khác nhau nhưng nhịp độ tuyệt đối không được lệch lạc.

Thoại của Cloud Atlas cứ tự nhiên thấm vào trong đầu tôi như một dòng suốt mát lạnh, dịu nhẹ.
Lúc này bạn chỉ muốn vục đầu xuống nước mãi, để cho từng giọt nước khẽ chảy qua mắt, qua tai, qua miệng… Nó vừa tinh tế, ý nghĩa vừa sâu sắc, đa tầng, khiến ta phải suy nghĩ – nhưng nó cũng có thể hóm hỉnh, hài hước và mỉa mai khinh bỉ, giễu cợt khi cần.
Xã hội ngập tràn cái ác. Bạn có nên làm gì không? Phải chăng trong ta nhiều lần suy nghĩ, cánh én chẳng làm nên mùa xuân. Có đúng chăng?

– Một việc làm nhỏ bé của ta thì có ích gì không, hay chỉ như giọt nước bỏ biển?
– Nhưng không phải đại dương bao la cũng là nhiều giọt nước tạo thành mà nên ư?

– Quan trọng là sự thật từ góc nhìn của cô.
– Sự thật là duy nhất. Những góc nhìn khác của nó… không phải là sự thật.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúa tạo ra thế giới, vậy làm sao ta biết cái gì được phép thay đổi và cái gì không được xâm phạm?

Bản chất thật sự của cuộc sống không bất tử đó là: hâu quả của những lời nói và hành động của ta sẽ còn tác động qua lại và kéo dài đến tận mãi về sau.

Tự tử thực sự là một việc đòi hỏi kỷ luật và đúng nhịp điệu.

Một cuốn sách dang dở nói cho cùng chẳng khác gì một chuyện ái tình dang dở.

Con tạo xoay vần bởi những thế lực vô hình. Chúng thích làm tim ta quằn quại. Những thế lực ấy có mặt trước khi ta sinh ra từ lâu và sẽ còn tiếp diễn sau khi ta trở về với cát bụi.

Đời ta không chỉ của riêng ta. Từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi, ta đều kết nối tới những người khác. Dù là quá khứ và tương lai. Dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp thì nó cũng khai sinh ra tương lai chính mình.

Ta có thể chi phối người khác một khi vẫn cho họ một cái gì đó. Cướp đi tất cả thì người ta sẽ không còn bị chi phối bởi quyền lực của mình nữa.

Ta nghe thấy nó trong giấc mơ. Trong một quán cà phê mộng mị. Ánh sáng chói lòa, dưới lòng đất và không lối thoát. Và bồi bàn, mặt mũi đều giống nhau.
….

Cloud Atlas là một bộ phim thật đẹp. Nó như một bài thơ. Nó như một đoạn nhạc. Nó như gần ba tiếng thiền và mang lại cho ta cảm giác bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Mọi thứ đều hài hòa, ngay cả độ dài 3 tiếng cũng là vừa đủ. Không quá dài làm người ta mệt mỏi, không quá ngắn tạo cảm giác hụt hẫng. Quay phim tốt, đạo diễn, biên kịch và editing xuất sắc, thoại sâu lắng, diễn xuất tốt (đặc biệt là Tom Hanks, Jim Broadbent, Hugo Weaving… Ngay cả Donna Bae dù gặp phải rào cản ngôn ngữ nhưng thực sự nhiều lúc Bae diễn rất tốt). Nhạc hoàn hảo và góp một phần quá lớn vào thành công của phim.
Nhưng như tôi thường nói, xét cho cùng cái mà tôi đánh giá cao nhất ở một bộ phim là về cảm xúc. Cloud Atlas cũng không phải ngoại lệ.

Cloud Atlas nói về cái gì?
Phim là một thiên sử thi về lịch sử loài người. Nó dẫn dắt ta đi qua sáu câu chuyện một cách đan xen lẫn nhau từ năm 1849 cho đến một tương lai xa hậu tận thế, từ Seoul cho đến San Francisco, từ Cambridge cho đến Hawaii. Mọi thứ ở đây đều được kết nối với nhau một cách khéo léo và tinh tế.
Phần nổi của sự kết nối được thể hiện như này: nhạc sĩ Robert Frobisher ở truyện Hai vô tình đọc được cuốn hải trình của Adam Ewing viết ở truyện Một, anh ta vốn viết thư đều đặn cho người tình Rufus Sixsmith kể về cuộc sống của mình. Nữ phóng viên Luisa Rey ở truyện Ba được Sixsmith nhờ lật tẩy vụ bê bối ở nhà máy điện hạt nhân Swannekke. Vô tình cô lại đọc được mấy lá thư của ông và kể cho thằng bé hàng xóm Javier. Javier sau này viết thành bản thảo trinh thám và gửi cho nhà xuất bản Timothy Cavendish. Cuộc đời của Timothy về sau được dựng thành phim và Người nhân bản Sonmi-451 xem. Vì lý do gì đó nên xảy ra Ngày Tận thế và Sonmi-451 lại thành Chúa của những người dân tộc trong tương lai.

1. Hành trình từ đảo Chatham băng qua Thái Bình Dương về San Francisco của luật sư Adam Ewing (Jim Sturgess) năm 1849 để kí kết giấy sở hữu nô lệ giữa bố vợ mình và Cha Horrox. Trên đường anh đã làm quen và kết bạn với anh nô lệ tự do Autua. Anh giúp Autua và được Autua cứu lại. Adam thay đổi, hiểu ra bộ mặt của chủ nghĩa thuộc địa và nô lệ và chống lại bố vợ, đưa vợ mình là Tilda đi theo những người hoạt động vì chủ nghĩa bãi nô.

2. Những lá thư của nhạc sĩ Robert Frobisher (Ben Whishaw) gửi cho người tình/người bạn Rufus Sixsmith từ Edinburg năm 1936. Robert Frobisher là một nhạc sĩ nghèo nhưng có tài, vì lối sống phóng đãng trụy lạc nên đã bị bố mình tước quyền thừa kế. Số phận đưa đấy anh đến làm việc cho một nhà soạn nhạc vĩ đại tên Vyvyan Ayrs ở Edinburg. Nhiều biến cố lớn đã xảy ra và rồi cuộc đời ngắn ngủi nhưng “tươi sáng” của RF đã kết thúc bằng việc anh tự tử.

3. San Fransico năm 1973, Luisa Rey (Halle Berry) là một nữ phóng viên ở một tạp chí làng nhàng, dù vậy “Cha nào con nấy” – cô được thừa hưởng cá tính và sự thông minh của bố mình – ông cũng là phóng viên. Nhờ nhận được nhiều giúp đỡ của tiến sĩ vật lí Rufus Sixsmith, tiến sĩ Isaac Sachs hay Joe Napier, quá trình điều tra những âm mưu, tiêu cực đằng sau nhà máy điện hạt nhân ở Swannekke đã thành công.

4. London năm 2012. Cuộc đời của nhà xuất bản Timothy Cavendish (Jim Broadbent) bước sang một trang mới ngay sau cái đêm tác giả của cuốn tự truyện “Đấm vỡ mồm” do ông xuất bản quẳng nhà phê bình từ ban công xuống đường vì tội dám chê. Cuốn sách chuyển sang bán chạy bất ngờ và Timothy bị đám xã hội đen anh em của tay tác giả kia đòi tiền. Nhờ ông anh trai giúp nào có ngờ lại bị lão ta chơi khăm cho vào viện dưỡng lão.
Ở đây Tim đã cùng ba người bạn già lập kế hoạch trốn thoát…

5. Neo-Seoul trong tương lai năm 2144. Đây là một thế giới giả tưởng trong tương lai gần khi mà Người nhân bản vô tính bị coi và đối xử độc ác, tàn bạo như nô lệ. Câu chuyện xoay quanh Sonmi-451, một Người nhân bản làm công việc bồi bàn tại chuỗi cửa hàng ăn nhanh Papa Song. Cô được Hae-Joo Chang, người của Quân Giải phóng cứu và gửi đi Bản Khải huyền đi khắp thế giới và các thuộc địa không gian để thức tỉnh loài người. Kết cục: Sonmi-451 chết nhưng những lời nói của cô thì còn sống mãi.

6. Quần đảo Hawaii – 106 năm sau Ngày Tận Thế. Trong truyện và phim không nói lí do tại sao lại có thảm họa tận thế khiến loài người chết gần hết và trở về thời kì đồ đá. Nhưng từ những lời thoại và chi tiết trong phim thì phần nhiều là do phóng xạ. Có điều không rõ là chiến tranh hạt nhân hay do một ngôi sao nào đó bức xạ lên Trái Đất quá mạnh… Thế giới lúc này chỉ còn hai chủng người: Người Prescient văn minh, hiện đại với những công nghệ của loài người từ xa xưa và Người Dân Tộc. Câu chuyện là cuộc gặp gỡ giữa cô gái Meronyme người Prescient và chàng trai dân tộc Zachry. Người Prescient đang chết dần vì phóng xạ và hy vọng duy nhất của họ là gửi tín hiệu cầu cứu đến các thuộc địa của loài người hồi xưa ở ngoài không gian. Để làm được như vậy, Meronyme phải nhờ Zachry dẫn cô vượt qua lãnh địa của bọn ăn thịt người Kona lên đỉnh Mauna Sol, trung tâm truyền tín hiệu vệ tinh từ ngày xưa còn sót lại.

Tóm tắt lại là như vậy. Chỉ có điều cái kết nối mờ nhạt mà một số bạn kêu mờ nhạt nó không phải là cái kết nối chính, không phải cái mà bộ phim muốn truyền tải đến người xem. Không chỉ là những thứ rõ ràng, bề mặt mà còn là kết nối giữa con người từ thế kỉ này sang thế kỉ khác. Là một cuộc phiêu lưu qua hàng thế kỉ của các tâm hồn con người. Liệu có kiếp sau hay không? Kiếp sau của ta sẽ như nào? Có gặp lại những người quen xưa cũ hay chăng? Hành động/nghiệp chướng của ta ảnh hưởng thế nào đến quá khứ, tương lai, hiện tại…
Đó là những con người dù là năm 1849 hay 2144 thì họ vẫn chiến đấu cho một lí tưởng cao đẹp.
Là bước chuyển mình từ ác quỷ thành cái thiện của một con người trong suốt nhiều thế kỉ.
Là một cuộc cách mạng thay đổi loài người trong tương lai được nhen nhóm từ cách đó mấy trăm năm, bắt đầu từ một hành động giúp anh nô lệ trốn tàu của Adam Ewing…
Thật ra trong truyện chỉ nói rõ sáu nhân vật chính là kiếp sau của nhau thông qua cái vết bớt hình sao chổi, nhưng phim đã phát triển lên thêm các nhân vật xung quanh bằng cách sử dụng một diễn viên cho nhiều vai diễn khác nhau để nâng cao và nhấn mạnh thêm. Có lẽ trong phim, vết bớt sao chổi không còn quan trọng như trong truyện nữa.
Tấm hình dưới đây tuy thiếu một số nhân vật phụ nhưng cũng đủ để ta hình dung mối quan hệ của các nhân vật trong sáu truyện.

  • Tom Hanks đóng các vai: bác sĩ Henry Goose (truyện một), tay quản lí nhà trọ mà nhạc sĩ Robert Frobisher tự tử (truyện hai), tiến sĩ Isaac Sachs (truyện ba), tay xã hội đen viết sách rồi quẳng nhà phê bình chê sách của mình qua ban công Dermot Hoggins (truyện bốn), diễn viên đóng vai Timothy trong bộ phim mà Sonmi-451 xem (truyện năm), anh dân tộc Zachry (truyện sáu), Zachry lúc già đang kể truyện lại cho lũ cháu.
  • Halle Berry đóng các vai: người phụ nữ bản xứ mà Adam Ewings gặp khi nhìn thấy anh nô lệ Autua bị quất roi (truyện một), Jocasta vợ của nhà soạn nhạc Vyvyan Ayrs (truyện hai), nữ phóng viên Luisa Rey (truyện ba), một vị khách trong lễ trao giải Lemon (truyện bốn), tay bác sĩ Ovid gỡ vòng cổ cho Sonmi-451 (truyện năm), cô gái người Prescient tên Meronyme (truyện sáu), Meronyme lúc già.
  • Jim Broadbent đóng các vai: thuyền trưởng Molyneux của con tàu “Nữ tiên tri” mà Adam Ewing đi về San Francisco (truyện một), nhà soạn nhạc Vyvyan Ayrs (truyện hai), nhà xuất bản Timothy Cavendish (truyện bốn), ông già ăn mày kéo đàn nhị ở khu ổ chuột (truyện năm), một người Prescient trên con tàu (đoạn gần cuối truyện sáu).
  • Hugo Weaving đóng các vai: ông bố vợ Haskell Moore của Adam Ewing (truyện một), nhạc trưởng Kesselring (truyện hai), tay sát thủ Bill Smoke (truyện ba), y tá Noakes (truyện bốn), Mephi – người quyết định kết cục cuối cùng của Sonmi-451 (truyện năm), Già Georgie (truyện sáu).
  • Jim Sturgess đóng các vai: luật sư Adam Ewing (truyện một), tay họa sĩ bị đuổi khỏi nhà trọ (truyện hai), bạn của Megan Sixsmith, xuất hiện trong bức ảnh mà Rufus Sixsmith khoe với Luisa Rey ở thang máy (truyện ba), anh nông dân Scotland trong quán rượu (truyện bốn), chỉ huy Hae-Joo Chang (truyện năm), Adam – em rể của Zachry (truyện sáu).
  • Donna Bae đóng các vai: Tilda – vợ của Adam Ewing (truyện một), bạn của Megan Sixsmith, xuất hiện trong bức ảnh mà Rufus Sixsmith khoe với Luisa Rey ở thang máy (truyện ba), người phụ nữ Mexico giết sát thủ Bill Smoke (truyện ba), Sonmi-451 (truyện năm).
  • Ben Whishaw đóng các vai: thằng bé chạy việc trên tàu (truyện một), nhạc sĩ Robert Frobisher (truyện hai), tay hipster bán bản nhạc “Cloud Atlas” cho Luisa Rey (truyện ba), Georgette – chị dâu và cũng là người tằng tịu với Timothy Cavendish (truyện bốn), gã hỏi câu “Đông cơ liên hợp” (truyện sáu).
  • Keith David đóng các vai: nô lệ Kupaka của gia đình Cha Horrox (truyện một), Joe Napier – trưởng bộ phận an ninh của Seaboard, người cuối cùng lại quay ra giúp Luisa Rey (truyện ba), tổng tư lệnh An-kor Apis (truyện năm), một người Prescient trên con tàu đón Meronyme (gần cuối truyện sáu).
  • James D’Arcy đóng các vai: Rufus Sixsmith lúc trẻ (truyện hai), Rufus Sixsmith lúc già (truyện ba), y tá James ở viện dưỡng lão Aurora (truyện bốn), Lưu trữ viên (truyện năm).
  • Châu Tấn đóng các vai: tay quản lí khách sạn nơi Rufus Sixsmith bị Bill Smoke giết (truyện ba), Yoona-939 (truyện năm), Rose – em gái của Zachry (truyện sáu).
  • David Gyasi đóng các vai: anh nô lệ Autua (truyện một), Lester Ray – bố của Luisa Rey (truyện ba), Duophsyte – người Prescient (truyện sáu).
  • Hugh Grant đóng các vai: Cha Horrox ở đảo Chatham (truyện một), nhân viên khách sạn nơi Robert Frobisher và Rufus Sixsmith ngủ với nhau (truyện hai), Lloyd Hooks – CEO của tập đoàn Seaboard (truyện ba), Denholme – anh trai của Timothy Cavendish (truyện bốn), Seer Rheer – quản lí cửa hàng Papa Song nơi Sonmi-451 làm việc (truyện năm), tộc trưởng Kona (truyện sáu).
  • Susan Sarandon đóng các vai: vợ của Cha Horrox (truyện một), Ursula – tình yêu lớn của Timothy Cavendish (truyện ba), Yusouf Suleiman – nhà khoa học đòi quyền bình đẳng cho Người nhân bản (truyện năm), Nữ tư tế (truyện sáu).

Nghiệp chướng, đầu thai, kiếp trước kiếp sau… là một trong những thông điệp mà bộ phim mang tới.
Nó được thể hiện rõ qua dụng ý chọn và sử dụng một diễn viên cho nhiều vai khác nhau. Ta có thể thấy rõ nhiều liên kết ở đây như là:
– Ở truyện một, bố vợ của Adam Ewing (Hugo Weaving) là người ủng hộ chủ nghĩa nô lệ, Adam Ewing thông qua cuộc hành trình về San Francisco đã trở nên thay đổi và nhìn ra bản chất xấu xa của nó. Anh kéo vợ (Tilda – Donna Bae) chống lại ông bố vợ, đi làm việc với những người theo chủ nghĩa bãi nô. Và đến truyện năm, sự việc lại lặp lại: ông bố vợ là lão Boardman Mephi đại diện cho Đảng – giai cấp áp bức bóc lột, Tilda lúc này là Sonmi-451 (người nhân bản bị đối xử không khác gì nô lệ) được Hae-Joo Chang của Quân giải phóng (chính là Adam Ewing ở truyện một) cứu và cho cô nhìn thấy sự thật, cùng nhau chiến đấu… Hai người lại yêu nhau. Sonmi-451 chết trong hy vọng, ở một thế giới khác sẽ có Hae-Joo Chang đợi mình ở đó, như Tilda đã từng đợi Adam… Sự đối đầu của hai người với các nhân vật do Hugo Weaving đóng là mãi mãi về sau, là không thể tránh khói: từ con rể + con gái đối đầu với bố, đến người phụ nữ Mexico ra tay giết sát thủ Smoke cứu Luisa và Joe, anh nông dân Scotland ra đòn dứt điểm y tá Noakes, Hae-Joo Chang và Sonmi-451 chống lại Chính phủ độc tài mà đại diện là Mephi. Ở đây ta có thể thấy một sự phát triển tuyến tính của nhân vật do Jim Sturgess đóng: từ mới bắt đầu thay đổi chống lại sự bất bình đẳng biến thành một mắt xích quan trọng của Quân Giải phóng.

– Bản thân các nhân vật của Hugo Weaving đóng xuyên suốt sáu truyện đều là ác và khá có “duyên” với các nhân vật do Halle Berry đóng. Từ ông bố vợ ủng hộ chủ nghĩa nô lệ, cho đến tay nhạc trưởng phát xít người Đức Kesselring (Halle Berry đóng vai Jocasta vợ Vyvyan Ayrs là người Do Thái!), tên sát thủ Bill Smoke tìm cách giết Luisa Rey bịt đầu mối, lão Boardman Mephi của Đảng trong truyện năm, Già Georgie thì thầm, kích động, xúi giục Zachry giết Meronyme. Một điều thú vị là Frobisher tự tử bằng khẩu súng lục Luger của Đức quốc xã – Đức quốc xã cũng diệt chủng người đồng tính như người Do Thái. Các câu thoại đáng chú ý của các nhân vật do Hugo Weaving đóng cũng khá là giống nhau.

– Các nhân vật do Tom Hanks đóng, khởi đầu là ác và trải qua sáu câu chuyện, đấu tranh với bản ngã của mình đã trở về cái thiện: từ lão bác sĩ độc ác Henry Goose ở truyện Một, lão quản lí phòng trọ tham lam ở truyện 2, đến tiến sĩ Isac Sachs, lẽ ra nếu không gặp Luisa Rey (Halle Berry) thì anh ta có lẽ cũng sẽ im lặng để nhà máy hạt nhân đó nổ, nhưng vì làm vậy nên Sachs chết và quay lại cái vòng bất tận là đấu tranh với bản ngã trong mình, đó là Dermot ở truyện Bốn. Truyện Sáu là thể hiện rõ nhất sự đấu tranh giữa cái ác và cái thiện trong ông ta, và một lần nữa lại nhờ nhân vật của Halle Berry là Meronym để tìm về với ánh sáng. Xuất phát điểm và con đường của Tom Hanks và Hugo Weaving là như nhau, tại sao kết thúc lại khác nhau? Câu trả lời chỉ có một: tình yêu với Halle Berry. Tình yêu chiến thắng cái chết. Tình yêu đánh bại cái ác. Tình yêu giúp ta vượt qua được nỗi sợ hãi, sự phụ thuộc vào mấy lời tiên tri của Nữ tư tế. Zachry đã dám đứng lên không nghe lời tiên tri số ba và cứa cổ tên Kona đã giết chết em gái mình. Một sự thay đổi lớn! Đến mức Isaac Sachs phải thốt lên: “Lúc này đây tôi đã làm cái việc mà lúc trước tôi không nghĩ mình sẽ dám làm. Mới hôm trước đời tôi còn đang đi theo hướng đó, vậy mà hôm nay nó đã rẽ sang hướng khác.”

– Hàng loạt những cách chuyển cảnh giống nhau: ví dụ như Sonmi-451 và Hae-Joo Chang đang đi trên cái thanh sắt chạy trốn thì chuyển sang cảnh anh nô lệ Autua đi trên cánh buồm, Luisa Rey đang nói chuyện với Sixsmith thì chuyển sang cảnh Cavendish nói chuyện điện thoại…
– Sixsmith bị Bill Smoke bắn vào họng, hệt như cách người tình cũ Rober Frobisher tự tử.
– Viện dưỡng lão Aurora ở truyện bốn chính là căn nhà nơi Vyvyan Ayrs từng ở.
– Ông già vô gia cư ở khu ổ chuột của quân giải phóng chơi bản nhạc Cloud Atlas cũng là Vyvyan Ayrs.
– Chi tiết cái viên ngọc. Tay bác sĩ Henry Goose (Tom Hanks) cắt trộm từ áo của Adam Ewing (Jim Sturgess), rồi nó lại xuất hiện trên chiếc áo vét của Rufus Sixsmith tặng Robert Frobisher, và Robert Frobisher phải dùng nó để trả tiền cho lão chủ quán trọ (Tom Hanks), rồi cũng chính Zachry (Tom Hanks) lấy trộm của em rể Adam (Jim Sturgess). Cái lúc Zachry bị bọn Kona tấn công, cổ họng anh ta bị nghẹn bởi chính viên ngọc ấy. Lúc nó đứt ra cũng là lúc Zachry giết được tên Kona! Tôi không chắc là cái nhẫn trên tay Isaac Sachs và cái khuyên tai của Dermot Hoggins có phải là nó không. Nhưng nếu đúng là vậy thì đây là một chi tiết cực kì thú vị.
– Nhiều nhân vật có một nhân cách đồng đều qua nhiều thế kỉ, nhiều câu chuyện khác nhau: Donna Bae đều đóng vai thiện, các nhân vật Hugh Grant đóng toàn là vai ác.
– Thằng bé chạy việc trên tàu (Ben Whishaw) vs. thuyền trưởng Molyneux giống như Robert Frobisher vs. Vyvyan Ayrs.
– Keith David và David Gyasi luôn đồng hành cùng nhau: cùng là nô lệ ở đảo Chatham, cùng ở một trung đội hồi chiến tranh Triều Tiên, cùng là một số ít người Prescient còn sống sót.
– Bãi nôn của Adam Ewing và bãi nôn của Seer Rheer.
– Ở truyện bốn, y tá Noakes có dọa Timothy Cavendish là nếu không biết cư xử sẽ bị cho ăn “soap”.
– Seer Rheer (Hugh Grant) là người giết Yoona-939, sau đó chết vì dùng Soap quá liều. Đến truyện sáu, trưởng tộc Kona (cũng là Hugh Grant) giết chết Rose (Châu Tấn) và sau đó bị Zachry (Tom Hanks) cứa cổ chết. Ngược lại thì ở truyện ba, Isaac Sachs (Tom Hanks) lại bị Llyod Hooks (Hugh Grant) thuê Bill Smoke giết.
Và còn rất rất nhiều chi tiết khác nữa….

Cloud Atlas là một phim mang tính hai mặt (duality) rất mạnh – bạn có thể tiếp cận và suy ngẫm theo hai cách khác nhau: tâm linh/triết lý và khoa học. Nó tùy thuộc vào bạn.
Như Albert Einstein đã nói:”Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng.”
Đầu thai hay nghiệp chướng không phải là chủ đề duy nhất của bộ phim xét theo phía tâm linh/triết lý. Cloud Atlas còn nêu lên rất nhiều vấn đề khác nữa: chủ nghĩa nô lệ, phân biệt chủng tộc, cái thiện đối đầu với ác, đồng tính, sống và chiến đấu vì lý tưởng, tình yêu, đức tin, hy vọng, lòng dũng cảm, sự sống, cái chết, nỗi sợ hãi… Tác giả David Mitchell viết truyện này bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các triết gia như Wittgenstein, Nietzsche, Freud hay thậm chí là đạo Phật (Phật giáo thực ra không hẳn là một thứ tôn giáo mà nó nghiêng về triết học nhiều hơn). Để thấm hết cần không ít thời gian chứ không phải chỉ là sáu câu chuyện liên kết hời hợt như nhiều người nghĩ. Chẳng phải tự nhiên mà “Cloud Atlas” được đề cử giải Mann Booker năm 2004.

Còn nếu xem xét Cloud Atlas về phía cạnh khoa học thì sẽ là một vấn đề khá là phức tạp và mệt mỏi, nào là cơ học lượng tử, lí thuyết trò chơi và nhiều yếu tố hầm bà lằng khác nữa mà tôi không nắm rõ và cũng không muốn đề cập đến trong phạm vi bài viết này vì nó đã đi một chút quá xa.

6 thoughts on “CLOUD ATLAS – A Human’s Epic Tale

  1. You can definitely see your expertise within the article you write.
    The world hopes for more passionate writers like you
    who aren’t afraid to mention how they believe. At all times follow your heart.

    Like

  2. 😀 , đây là 1 bộ film toẹt vời ông mặt giời – âm thanh quá là hay luôn .Em đã phải xem lại nó ngay sau khi xem xong vì mọi thứ quá đồ sộ so với vỏn vẹn gần 3 tiếng đồng hồ xem film .Ngồi tỉ mẩn ngẫm nghĩ từng chi tiết rồi thấy khám phá ra nó mới hưng phấn làm sao ;3 :3
    Em đã cố gắng giới thiệu cho 1 số bạn bè film này nhưng hầu như chả có ai thấy thích thú cả :3 :3 lạ thật , có người xem xong thì nói không hiểu gì 😛 .

    Like

    1. 🙂 Nhưng tới một thời điểm nào ấy phim mang tính chất giải trí sẽ làm họ nhàm chán … đến lúc ấy chắc họ sẽ quay lại với những bộ phim có cốt truyện ý nghĩa hơn 😀

      Like

Leave a comment