Lost Highway

Viết ngày 10/03/2013Bài viết có tiết lộ nội dung phim

1. Intro

Như tôi đã nói trong bài viết về Mulholland Drive, Lynch dùng Lost Highway như một bản nháp, một bước đệm cho Mulholland Drive. Mulholland Drive tập hợp tất cả những gì tinh túy nhất của David Lynch: nội dung kịch bản, cách dẫn truyện độc nhất, thắt nút mở nút, sự đa tầng nghĩa, tính biểu tượng và ẩn dụ, chất hài hước, thoại, quay phim, diễn xuất, âm nhạc… Mọi thứ đều hoàn hảo, chính vì vậy trong bài viết này tôi sẽ không quá đề cập đến các vấn đề (còn dang dở) trên nữa mà sẽ tập trung vào giải thích nội dung của Lost Highway. Vì cho dù không hoàn hảo như Mulholland Drive, Lost Highway lại phức tạp và khó hiểu hơn một bậc. Khách quan mà nói đây có lẽ là một trong những phim làm khán giả bối rối nhất trong lịch sử điện ảnh. Sản phẩm trị giá 15 triệu $ của Lynch đã làm tốn bao giấy mực của các nhà bình luận và nước bọt của khán giả mà dường như nó vẫn chưa mang lại một cái kết hợp lí 100%.

Lynch gọi Lost Highway là “21st century horror noir film”. Vậy nên độ kinh dị của nó cũng hơn các phim khác của ông hẳn một bậc: không dọa ma dọa quỷ, không hù dọa người xem bằng những phân cảnh giật gân rẻ tiền hay tiếng động bất ngờ nhưng mỗi lần xem lại, cảm giác rùng mình lại chạy lạnh sống lưng mình.
Càng xem nhiều phim của Lynch, càng đọc nhiều về người đạo diễn tài ba này, tôi lại càng thấy khâm phục và kinh ngạc trước những gì đầu óc ông ta có thể tưởng tượng ra.
Phim của Lynch giúp ta phần nào hiểu được thế nào là cảm giác sốc: “Cái quái gì thế này?” của những khán giả xem cảnh đoàn tàu chạy thẳng về phía mình trong bộ phim đầu tiên năm 1896 bởi anh em đạo diễn Lumière.

Lost Highway không có cốt truyện, ít nhất là theo định nghĩa thông thường của từ “cốt truyện” – nó giống một giấc mơ hơn. Lộn xộn, hỗn loạn nhưng không phải là không có ý nghĩa gì cả. Bộ não khi mơ đang cố nói cho ta điều gì đó và Lynch là bậc thầy trong việc diễn giải giấc mơ lên điện ảnh. Phim của ông dường như vừa không diễn ra ở một địa danh cụ thể nào cả vừa diễn ra ở khắp mọi nơi, tất cả đều là mơ, một giấc mơ đậm chất Lynch, tất cả cảnh vật, con người, sự kiện đều là do tâm trí con người tạo ra từ kí ức mỏng manh, mơ hồ của mình. Nhân vật chính gặp rắc rối và dẫn đến những nút thắt nguy hiểm mà trí óc không thể chịu đựng nổi, là những cảm xúc cực đoan xảy ra trong màn đêm, là những trúc trắc vật lộn trong tâm trí…

2. Keys

David Lynch có một phong cách làm phim lạ và quái, ông tạo ra những tác phẩm hành hạ người xem và không bao giờ giải thích, không bao giờ xác nhận xem giả thuyết của người khác là đúng hay sai, không gợi ý cho khán giả một cái kết. Thay vào đó mỗi phim ông đều chỉ đưa ra những chìa khóa khá chung chung, phần suy nghĩ còn lại là của khán giả. Mỗi một người xem, với tính cách, thế giới quan và kinh nghiệm sống khác nhau sẽ có những cách đánh giá, nhìn nhận cũng như những giả thuyết riêng phù hợp cho mình. Giờ chúng ta hãy cùng đến với ba chìa khóa giải mã “Lost Highway” mà Lynch đã đề cập đến trong quyển sách “Lynch on Lynch” (http://www.amazon.com/Lynch-Revised-…/dp/0571220185).

  • Những gì xảy ra trong phim đều là thực chứ không phải là mơ, tưởng tượng, ảo giác của bất kì nhân vật nào hết.
    Nói một cách khác, đoạn giữa phim về nhân vật Pete Dayton là thật chứ không phải là tưởng tượng trong đầu của Fred Madison như rất nhiều người lầm tưởng!Đoạn đầu phim cũng là thật chứ không phải do Fred tưởng tượng ra.
    Thực ra cũng có một vài cảnh là mơ (Fred mơ)/hồi tưởng (Renee đi ra khỏi quán bar với Andy) nhưng Lynch có cách thể hiện và xử lí rất rõ và chuẩn xác khiến ta không thể nhầm lẫn.
  • “Mystery Man” không những có thật mà còn là đại diện cho một thế lực siêu nhiên, ma quỷ. Hắn sống vượt lên trên không gian, thời gian như một kẻ có quyền năng tối thượng. Một Faustian1 – quái vật sống dựa vào nỗi khổ đau của loài người.
    Một nhân vật quen thuộc trong phim của Lynch, giống như tên sát nhân Bob Twin Peak hay Gã cao bồi trong Mulholland Drive.Đây là một chìa khóa tối quan trọng giúp ta hiểu rõ Lost Highway vì Mystery Man là trung tâm, là cầu nối giữa hai thế giới.

            1Faust trong kịch của Goethe là một nhà ảo thuật người Đức, kẻ đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ để đổi lấy sức mạnh và thông thái. Từ đó sinh ra định nghĩa “Faustian Contract” ám chỉ hợp đồng giữa những người bán linh hồn mình cho con quỷ Faust để đổi lấy một ước muốn nào đó của cá nhân.

  • Lost Highway xoay quanh các Doppelgänger2, những kẻ ngu ngốc, điên loạn đã kí hợp đồng ma quỷ với Mystery Man.
    2Doppelgänger là một từ có nguồn gốc từ tiếng Đức chỉ hai người hoàn toàn xa lạ nhưng lại có khuôn mặt cực kì giống nhau. Người ta đồn rằng nếu Doppelganger gặp nhau thì một người sẽ chết.Tất nhiên đây là một khái niệm mang tính hư cấu nên mỗi người có cách thể hiện nó khác nhau, Doppelgänger trong phim của Lynch cũng khác khá xa so với định nghĩa nguyên gốc. Ông tỏ ra khá hứng thú với khái niệm này khi đã dùng nó trong series Twin Peaks: tập 30, phim truyện Twin Peaks: Fire Walk With Me, Lost Highway và sau này là Inland Empire.

    Cụ thể hơn, bộ phim xoay quanh ba Doppelganger – ba người mà kết cục cuối cùngchung nhất đều là cái chết. Đó là: Reene Madison/Alice Wakefield, Fred Madison và Dick Laurent /Mr Eddy. Dick Laurent chết trước khi bộ phim bắt đầu (Fred Madison thuê sát thủ giết) và được thay thế bằng Doppelganger của mình là Mr Eddy.Renee bị Fred và Mystery Man giết và được thay thế bằng Alice Wakefield. Cuối cùng là cơ thể Fred Madison bị hủy hoại trong quá trình chuyển hóa thành Pete Dayton và được thay thế bằng một Doppelganger vô danh không được nêu rõ tên (xuất hiện sau cảnh Pete Dayton và Alice Wakefield làm tình ở sa mạc).
    Những Doppelganger này sau khi chết được quay trở lại thế giới để thực hiện nốt một việc cuối cùng theo ước muốn của mình (thường là trả thù) nhờ có Mystery Man. Và đương nhiên cái giá phải trả cho hắn ta là linh hồn của họ. Một khi nhiệm vụ đã hoàn thành xong, họ sẽ hoàn toàn thuộc về Mystery Man.

3. Events

Ở chương này chúng ta hãy cùng điểm lại những phân cảnh đáng chú ý theo mốc thời gian trong phim.

  • Mở đầu phim, camera lướt trên một đường cao tốc hai làn chạy qua sa mạc hoang vu quạnh vắng bóng tối mịt mù. Không khí và góc nhìn từ máy quay thật kì quái trong khi credit tiếp tục chạy. Hết credit, ánh đèn giảm dần và ta chìm vào trong bóng tối hoàn toàn. Trong bóng tối, một người đàn ông (Fred Madison) đang ngồi hút thuốc trên giường. Khuôn mặt có phần mờ ảo và méo mó vì trong gương và khói thuốc. Tuổi 32, tóc sẫm màu, râu chưa cạo, ánh mắt vô hồn nhìn vào chốn vô định. Chuông cửa đột nhiên kêu, Fred đứng ra bấm máy nghe thì một giọng nói vang lên: “Dick Laurent đã chết.” Fred đi lên tầng trên và ngó ra trước cửa nhưng không có ai ở đó…
  • Một người phụ nữ bước vào phòng. Đó là vợ Fred – Renee Madison. Trạc 30, tóc sẫm màu, biết ăn mặc, tay cầm rượu. Renee nói rằng nếu Fred không phiền thì cô sẽ không đi cùng đến bar xem Fred biểu diễn saxophone đêm nay. Fred đến bar Luna Lounge một mình, chơi Saxophone một cách điên loạn và hoang dại. Sau đó anh ta ra ngoài gọi điện thoại về nhà nhưng không ai nghe máy. Máy quay lướt qua phòng khách, phòng ngủ… nhưng cả căn nhà không một bóng người. Lúc Fred về đến nhà thì lại đã thấy Renee đang ngủ ngon lành.
  • Renee thấy có một lá thư lạ trước nhà. Bên trong chiếc phong bì màu vani trống trơn, không tem, không chữ là một cuộn băng. Hai vợ chồng mở ra xem thì chỉ có mỗi một cảnh mặt trước căn nhà họ, máy quay lướt chậm và nhẹ. Hết băng.
  • Fred và Renee làm tình với nhau. Sự gượng gạo và miễn cưỡng thấy rõ của Renee làm Fred khó chịu nhưng anh ta không thể dừng lại được. Sau khi xuất tinh, Fred nằm xuống bên cạnh Renee, mắt ánh lên nỗi kinh sợ và sỉ nhục. Sự im lặng bao trùm cả căn phòng…
  • Hai người nằm trên giường, Fred kể cho vợ nghe về giấc mơ của mình: “Em ở trong nhà, em gọi anh nhưng anh không tìm thấy em. Rồi tự nhiên anh thấy em nằm trên giường, nhưng đó không phải là em, cho dù khuôn mặt chính là em.” Rồi Fred quay sang nhìn Renee nhưng đó không phải là cô! Một gương mặt Fred chưa nhìn thấy bao giờ (mặt của Mystery Man). Anh bật đèn ngủ lên nhưng gương mặt người vợ quen thuộc đã trở lại…
  • Renee lại tìm thấy một phong bì khác ở trước nhà. Vẫn là cảnh quay mặt trước căn nhà, nhưng lần này còn có them cảnh hai vợ chồng họ đang ngủ từ góc quay trên trần nhà xuống! Renee nhìn Fred sợ hãi nhưng trông anh ta có vẻ bình tĩnh hơn. Hai người quyết định gọi cảnh sát. Hai thanh tra Ed và Al đến, xem xét cuộn băng và tình hình quanh nhà rồi rời đi với lời hứa sẽ để ý đến vụ này…
  • Tiệc ở nhà Andy – gã mà ta từng thấy ở cùng Renee ở Luna Lounge. Hắn nói chuyện, đưa đẩy, nhảy nhót với Renee… Cùng lúc đó Mystery Man xuất hiện và nói chuyện với Fred một cách cực quái dị và gây sốc. Sau đó ông ta bỏ đi. Cũng ở đây, Andy đã phủ nhận về cái chết của Dick Laurent. Tiếp đó vợ chồng Fred đi về, Fred bắt Renee chờ ngoài xe và vào kiểm tra nhà một mình. Mấy đoạn Fred đi dọc hành lang tối om quả thật cực kì ma quái và rợn người. Tôi đã đọc ở đâu đó là Lynch đã mua ngôi nhà này ở Los Angeles và thuê người sửa lại cho cái hành lang này ra thật dài. Ánh sáng, quay phim, âm thanh, không khí… mọi thứ đều hoàn hảo.
  • Fred tìm thấy cuộn băng thứ ba, trong đó có cảnh anh ta ngồi trong vũng máu, khuôn mặt hoảng loạn và cực kì khiếp sợ ngước thẳng lên máy quay, bên cạnh là Renee, bị cưa cụt hết cả tay chân đầu một cách tởm lợm! Anh ta bị bắt vì tội giết người và bị kết án tử hình trên ghế điện.
  • Trong nhà giam chờ đến ngày phán quyết, Fred phải chịu đựng một cơn đau đầu khủng khiếp, thuốc giảm đau và an thần của bác sĩ dường như cũng không ăn thua nữa. Anh ta bắt đầu bị ảo giác, một căn nhà gỗ bị nổ nhưng thời gian lại chạy ngược, và rồi cả Mystery Man. Một làn khói xanh bao trùm lấy Fred và máy quay lướt trên con đường cao tốc ở đầu phim. Ánh đèn pha soi rõ một bóng người đứng bên vệ đường – Pete Dayton, xa sau lưng anh ta là cô người yêu Sheila đang van xin anh ta đừng đi… Nhưng Pete đâu có nghe, anh ta tiến lại gần máy quay, gương mặt lấp đầy màn hình. Mặt Fred bắt đầu co rúm và biến dạng rồi dần chuyển thành mặt Pete! Người ngồi trong xà lim giờ là Pete Dayton.
  • Sau khi Pete Dayton được bố mẹ mình (Bill và Claire) bảo lãnh về nhà, luôn có hai tay thanh tra (Ed và Al) theo dõi mọi động tĩnh căn nhà của họ. Nhưng dường như Pete chẳng để tâm vì lúc này anh ta cư xử như một người khác hẳn, ngơ ngác, lãng đãng như thể đầu óc đang để ở một nơi nào khác.
  • Pete quay trở lại làm ở gara sửa xe và có một chuyến đi dạo mát hóng gió “thú vị” với khách quen – Mr Eddy ở đường Mulholland Drive.
  • Tiếng nhạc ở gara làm Pete đau đầu (tiếng kèn saxophone của Fred!). Đúng lúc đó một cô gái tóc vàng xinh đẹp đến cùng Mr. Eddy – Alice Wakefield, người trông giống hệt Renee, chỉ có điều trẻ hơn Renee khoảng mười tuổi. Hai người nhìn nhau như thể mũi tên của thần tình yêu đã bắn trúng họ. Pete và Alice ngủ với nhau. Hai tay thanh tra vẫn bám sát trong chán nản…
  • Alice gọi điện báo đêm nay cô không đến được vì có việc và dặn Pete phải cẩn thận vì Mr. Eddy đã bắt đầu nghi ngờ. Thay vào đó, Pete gọi Sheila đến nhà nghỉ quen thuộc, cái giường quen thuộc và làm tình một cách điên loạn. Anh ta không biết mình đang bị cái chết tiệt gì nữa.
  • Mr. Eddy đến gara cảnh cáo bóng gió Pete rằng hắn rất yêu cô ta và sẽ giết bất kì thằng nào dám léng phéng với cô ta. Alice kể cho Pete nghe về quá khứ của mình, rằng Mr. Eddy đã ép buộc mình đóng phim khiêu dâm hồi trước thế nào. Cả hai cùng lên kế hoạch cướp tiền của gã Andy để chạy trốn…
  • Mr. Eddy gọi điện cho Pete bảo muốn anh ta nói chuyện với một người bạn của lão – Mystery Man! Mystery Man bắt đầu lặp lại cuộc nói chuyện quái dị đã từng làm với Fred. Mr Eddy thì cứ lải nhải mãi câu: “Tao rất vui vì mày khỏe Pete ạ.”
  • Trong phòng khách ở nhà gã Andy, máy chiếu đang chạy một đoạn phim khiêu dâm mà nữ chính không còn ai khác ngoài Alice. Đôi mắt khoái lạc và tận hưởng trong từng khung hình nhìn thẳng vào Pete làm cơn ghen tuông trong anh ta trở nên cuồng nộ. Pete đánh gục Andy nhưng hắn bất ngờ tình lại sau đó, một tai nạn giằng co làm gã Andy ngã đập đầu xuống bàn chết. Alice thì tranh thủ vơ vét lục lọi còn đầu Pete ong ong, mọi thứ trở nên mờ nhạt. Nhìn lên khung ảnh trên bàn, anh ta thấy một tấm hình có Dick Laurent/Mr. Eddy, Andy, Renee và Alice! Cơn đau càng lúc càng trở nên tệ hại, máu mũi bắt đầu chảy làm Pete phải lên lầu tìm nhà tắm. Trên đó anh ta tưởng tượng hành lang tầng trên thành cái hành lang ở khách sạn Lost Highway. Ở trong căn phòng số 26 là hình ảnh một Alice dâm đãng đang làm tình với một gã nào đó: “Anh muốn nói chuyện với tôi hả? Anh muốn hỏi tại sao chứ gì?”…
  • Cả hai lên xe chạy trốn đến căn nhà gỗ giữa sa mạc để gặp một người bạn. Con đường căn tốc kẻ vạch vàng và căn nhà nổ ngược lại xuất hiện! Alice mở cửa nhưng không có ai ở trong nhà cả. Rồi họ làm tình giữa sa mạc, mơ mơ ảo ảo trước ánh đèn pha ô tô chói chang, trong cơn gió chất chứa đầy cát bụi.
    Pete thì thào: “Anh muốn em, Alice… Anh muốn em.”
    Alice: “Anh sẽ không bao giờ có tôi.”
    Cô ta đã trở lại là con người lạnh lùng, nguy hiểm như Renee! Rồi Alice quay lưng bước đi về phía căn nhà gỗ và biến mất.
  • Pete đứng dậy và quay lưng lại. Đó không còn là Pete nữa. Đó là Fred Madison. Anh ta đi vào căn nhà gỗ, và trong đó nào có Alice/Renee mà chính là Mystery Man với cái máy quay!
    Fred: “Alice đâu rồi?”
    Mystery Man: “Alice nào? Cô ta tên Renee. Nếu cô ta nói là Alice thì đó chỉ là dối trá. Còn tên mày? Tên mày là cái đéo gì thế?”
  • Fred trong cơn hoảng sợ phóng xe đến khách sạn Lost Highway. Trong căn phòng số 26 là Dick Laurent/Mr. Eddy và Renee/Alice đang làm tình. Fred đánh gục Mr. Eddy/Dick Laurent và quẳng lão ta vào cốp xe. Mystery Man hé màn đứng nhìn từ trong phòng.
  • Màn bắt đầu hạ. Hai người đánh nhau ở giữa sa mạc. Mystery Man đưa dao cho Fred rạch cổ Dick Laurent/Mr. Eddy và bắn chốt hạ phát cuối. Sau đó ông ta thì thầm vào tai Fred điều gì đó.
  • Hai ông thanh tra Al và Ed đang xem xét hiện trường vụ án ở nhà Andy. Dấu vân tay của Pete ở khắp nơi. Và cái khung ảnh tôi nhắc đến ở trên nay chỉ có ba người: Renee, Dick Laurent và Andy.
  • Anh ta lái xe về nhà mình, bấm chuông và nói qua máy nghe: “Dick Laurent đã chết.”
    Anh ta bị hai thanh tra Al và Ed đuổi bắt trên con đường cao tốc kẻ vạch vàng.Khuôn mặt bởi thù hận, đau buồn và cuồng loạn lại bắt đầu biến dạng như lúc trong tù. Fred biến trở lại thành Pete!

HẾT PHIM.

4. Doppelgänger Theory

Thực ra sau lần xem đầu tiên tôi đã hướng đến giả thuyết khác. Nhưng sau khi đọc giả thiết về Doppelgänger và xem lại lần hai một cách cẩn thận, chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất thì có thể khẳng định giả thuyết Doppelgänger khớp mọi chi tiết hoàn hảo hơn.
Cả bộ phim là kế hoạch ma quỷ của Mystery Man, một kế hoạch quá tinh vi và hoàn hảo của lão ta để hòng chiếm lấy linh hồn của những con người này. Vậy thì rốt cuộc Doppelgänger và Mystery Man có liên quan gì đến nhau:

  • Doppelgänger trong Lost Highway là một bản sao giống hệt người thật, nhưng sống ở thế giới khác.
  • Chỉ khi một người kí hợp đồng ma quỷ với Mystery Man, họ mới có Doppelgänger. Doppelgänger chỉ đơn thuần là một dụng cụ giúp Mystery Man hoàn thành điều ước của đối tác, do vậy Doppelgänger luôn nằm trong tầm điều khiển và chịu sự sai bảo của Mystery Man. Để đổi lại, sau khi ước muốn được hoàn thành, linh hồn của họ (và cả Doppelgänger sẽ thuộc về Mystery Man mãi mãi.
  • Nên nhớ một điều rằng, ma quỷ mãi mãi là ma quỷ. Số phận của tất cả những con người này đều dưới một tay Mystery Man thao túng. Chơi với lửa không bao giờ có kết thúc tốt đẹp. Nhưng đa phần những người này đều quá tuyệt vọng, điên rồ… nên họ không thể nhìn ra được mình đang đi sai đường…

Nào chúng ta cùng bắt đầu.
Fred Madison là một nhạc sĩ chơi saxophone có tài nhưng cuộc sống tình cảm vợ chồng không mấy tốt đẹp. Vợ anh ta – Renee Madison trước kia là một diễn viên khiêu dâm (biệt danh trong nghề là Alice Wakefield) dưới quyền của tên trùm Dick Laurent (biệt danh trong nghề Mr. Eddy) và Andy. Fred vô tình khám phá ra quan hệ tình ái của Renee với Dick Laurent và Andy nên đã kí hợp đồng ma quỷ với Mystery Man và thuê sát thủ giết Dick Laurent. Như đoạn đầu phim đã tiết lộ, tên sát thủ đến thông báo: “Dick Laurent đã chết” thì Fred không có gì ngạc nhiên cả. Ta vốn biết rằng Renee thường dậy muộn nên việc Fred dậy sớm hút thuốc một cách đăm chiêu, râu chưa cạo, mắt thất thần nhìn vào gương cho thâ rõ ràng là anh ta đang chờ đợi một thứ gì đó. Hay đúng hơn là một tin gì đó.

Thói tráo trở của Mystery Man bắt đầu khi hắn mang Doppelgänger của Dick Laurent từ thế giới khác đến thay thế Dick Laurent đã chết để Fred tưởng rằng Dick vẫn chưa chết (đoạn Andy phủ nhận việc Dick đã chết ở bữa tiệc ở nhà hắn).

Sau cái đêm tiệc tùng ấy, Fred và Mystery Man cùng nhau giết Renee. Renee chết thảm. Fred vào tù chờ ngày lên ghế điện. Mystery Man dùng quyền lực của mình để đánh tráo Pete Dayton vào (đoạn biến hình trong tù). Fred chết sau giai đoạn biến đổi. Chú ý: Pete không phải Doppelgänger của Fred. Doppelgänger của Fred là một người khác không rõ tên mà ta sẽ còn gặp ở đoạn cuối của phim.

Pete được bố mẹ bảo lãnh ra tù, ở gara hắn gặp lại khách quen Mr. Eddy và bồ của lão ta Alice Wakefield. Có vài điều cần chú ý ở đây: Dick Laurent và Mr. Eddy là một người, Renee và Alice là một người (tên giả-tên thật). Thêm nữa là cả hai Dick thật và Renee thật đều đã chết, đây chỉ là hai Doppelgänger của họ đang được Mystery Man dùng để điều khiển Pete. Điều thú vị là bọn này cũng dùng tên giả như của bản gốc và còn dùng tóc giả (Alice tóc vàng!) để hóa trang (Đương nhiên phải giả danh vì Dick Laurent và Renee thật đều đã chết). Mục đích của Mystery Man là để dẫn dụ Pete giết Andy.

Sau khi giết Andy, Pete cùng Alice đi đến căn nhà gỗ ở sa mạc. Họ làm tình rồi Alice biến mất (theo lệnh của Mystery Man). Pete biến trở lại thành Fred hay nói đúng hơn là Doppelgänger của Fred (Fred thật đã chết trong tù). Mystery Man sắp xếp cho Fred thấy được cảnh Doppelgänger của Renee và Doppelgänger của Dick ngủ với nhau rồi cùng Fred giết luôn Doppelgänger của Dick. Bản mặt tráo trở của Mystery Man tiếp tục được hiện rõ khi Dick đã kí hợp đồng ma quỷ với lão nhưng cuối cùng vẫn chết. Giết xong Dick hắn ta lại thì thầm bảo Doppelgänger của Fred quay về căn nhà của Fred để nói câu: “Dick Laurent đã chết.” Mục đích của việc này là gì? Để giết luôn Fred (vì hắn biết hai ông thanh tra Al và Ed cũng đang đến đó).
Trong lúc hoảng sợ, đau buồn và tức giận tột cùng khi bị truy đuổi, Doppelgänger của Fred biến lại thành Pete và chết. Pete chưa chết nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi bị cảnh sát bắt và kết án tử hình (dấu tay ở khắp nhà Andy và nhiều bằng chứng khác). Một mũi tên giết hai con chim.

Bài học rút ra: mọi kẻ kí hợp đồng với con quỷ Mystery Man đều chết, trừ Doppelgänger của Alice/Renee vì cô ta vẫn còn có ích trong việc làm mồi nhử ba con thiêu thân Fred, Pete và Dick Laurent.

5. FAQ

Hẳn là sau khi đọc xong chương Bốn, bạn vẫn còn vô vàn thắc mắc về ý nghĩa của các phân cảnh trong phim đúng không? Vậy ta hãy tua lại phim một lần xem!

  • Ý nghĩa của mấy cuộn băng video là gì?
    Mấy cuộn băng đó là do Mystery Man quay để nhắc nhở các khách hàng về hợp đồng của mình vì những người thỏa thuận với Mystery Man có xu hướng phủ nhận và không nhớ gì cả. Ông ta gửi Fred đoạn băng một lần, hiện lên trong giấc mơ của Fred một lần, gửi băng lần hai nhưng anh ta vẫn không nhớ thế là ông ta phải đến trực tiếp gặp Fred ở bữa tiệc luôn. Ở đó Mystery Man đã chứng tỏ năng lực siêu nhiên của mình với Fred bằng cách ở hai nơi cùng một lúc: tại bữa tiệc và tại nhà anh ta. Đó cũng là đêm cả hai giết Renee… Ngoài ra đây còn là âm mưu thâm độc hơn của Mystery Man khi dùng nó làm bằng chứng đổ tội trước cảnh sát: Fred là người giết vợ mình, Pete là đồng phạm quay phim! Chú ý mấy cảnh trong máy quay phim ta nhìn thấy hai bóng người trên cái màn hình TV tắt: một trong đó là Mystery Man.
  • Cảnh quay ngược căn nhà gỗ nổ mang thông điệp gì?
    Một cách Lynch dùng để thể hiện rằng Mystery Man không những có thật mà là còn là ma quỷ, một thế lực siêu nhiên. Thế giới của hắn không tuân theo những quy tắc vật lí về không gian thời gian như thế giới này nên mỗi lần hắn thâm nhập vào thế giới của chúng ta thì những sự kiện kì lạ như vậy xảy ra: căn nhà gỗ nổ ngược, làn khói xanh, ánh sáng nhấp nháy xanh ở nhà Andy/khách sạn Lost Highway. Trong khoa học, “Blueshift/Dịch chuyển xanh” là kết quả của hiệu ứng Doppler khi các hạt chuyển từ mức năng lượng cao xuống mức năng lượng thấp (dẫn đến thay đổi bước sóng/màu sắc ánh sáng). Mạch thời gian và cách dẫn truyện vốn “đã không làm theo một thứ tự nào cả” nên Lynch dùng màu xanh như một thứ phương tiện chuyển tiếp, một cánh cổng thần kì giữa những thế giới đối lập nhau ấy – giúp cho người xem dễ phân biệt và theo dõi hơn…
  • Hợp đồng của từng người với Mystery Man là gì?
    Chuyện này chúng ta không thể biết rõ. Con người ta có đủ thứ lí do để hợp tác và bán mình cho ma quỷ, thậm chí có những điều mà ta không thể tưởng tượng ra nổi. Ta chỉ biết hợp đồng của Fred chắc là nhờ Mystery Man giết Dick Laurent/Mr. Eddy, Renee/Alice và Andy. Còn lí do của Dick và Renee là gì may ra có Lynch biết…
  • Chuyện gì đã xảy ra với Fred trước khi anh ta vào nhà tù thế thân cho Fred?
    Phim không kể cho ta một cách trực tiếp nhưng thông qua thoại (đoạn Pete hỏi bố mẹ mình chuyện gì đã xảy ra đêm đó) và cảnh Fred nhìn thấy trong lúc biến hình sang Pete ở nhà tù đã gián tiếp gợi ý cho ta biết đầu đuôi câu chuyện. Bố mẹ và cô người yêu Sheila nhìn thấy Pete lên xe với một người đàn ông lạ và biến mất trong làn khói xanh. Mystery Man đưa anh ta về thế giới của lão rồi đẩy anh ta trở lại tù thay Fred. Điều đó giải thích tại sao mỗi lần bố mẹ hoặc Sheila nhắc đến “cái đêm đó” là Pete lại thấy mọi thứ xung quanh mờ đi: anh ta không nhớ gì cả.
  • Cảnh Mr. Eddy dằn mặt gã vượt tay trái có thừa thãi không?
    Không có gì là thừa trong phim của Lynch. Đây là một phần trong kế hoạch của Mystery Man nhằm gài vào trong đầu Pete sự đáng sợ và nguy hiểm của Mr. Eddy, để anh ta có động lực bỏ chạy khi đã dính quá sâu với Alice. Đoạn Mr. Eddy và Mystery Man nói chuyện với Pete qua điện thoại cũng là để phục vụ cho dụng ý này. Đỉnh điểm, giọt nước tràn li là cảnh Alice làm tình với Pete trên sa mạc sau đó bỏ đi, đây là đòn chí mạng của Mystery Man để đánh gục trí não của Pete: anh ta giờ không còn gì, tay trắng, lại là kẻ giết người, không chắc chắn mình là ai, đến người phụ nữ anh ta yêu giờ cũng bỏ đi nốt. Nó tạo điều kiện cho Doppelgänger của Fred trở lại.
  • Tại sao ở căn nhà gỗ Mystery Man lại cầm cái máy quay đuổi theo Fred?
    Cứ tưởng tượng bạn là Fred xem, vừa biến hình từ một thằng khác, mặc quần áo lạ hoắc, đầu óc vẫn còn đang lơ mơ, và thậm chí còn gọi tên Alice (Fred chỉ biết đến Renee chứ không biết Alice là ai cả!). Đây là cách để Mystery Man đánh thức tiềm thức của Fred trở lại.Một phần nữa là như mình đã nói ở trên, Mystery Man luôn quay lại những giao dịch với khách hàng để làm bằng chứng không thể chối cãi.
  • Tại sao Mystery Man phải mất công bày ra kế hoạch kì công đến vậy nếu lão ta có năng lực siêu nhiên?
    Như đã nói ở phần Intro, Mystery Man là một Faustian – kẻ sống dựa trên các tâm hồn khổ đau. Hắn muốn sở hữu những con người này – không phải với một cái chết nhẹ nhàng nhanh chóng, mà phải bắt họ chịu đựng sự đày đọa cao nhất.
  • Tại sao hai tay thanh tra Al và Ed lại có mặt ở nhà Fred đúng lúc với Fred (đoạn cuối phim)?
    Al và Ed thấy dấu vân tay của Pete có ở khắp nhà Andy lúc anh ta bị giết. Cộng thêm cái khung ảnh có hình Dick Laurent, Renee và Andy thì họ suy đoán hai vụ giết người này tất chẳng phải ngẫu nhiên nên họ đến nhà Fred để tìm xem có dấu vân tay của Pete có ở đó không. Biết được điều này đến Mystery Man đã cử Fred đến đó để xử lí luôn anh ta.
  • Hành động kì lạ của Pete sau khi giết Andy là sao?
    Lúc này tâm trí Pete đã thật sự rất suy sụp: vụ giết người, ghen tuông, sự không chắc chắn về danh tính của mình đè nặng và làm Pete hoang tưởng. Anh ta nhìn cái khung ảnh chỉ có Renee thành Renee và Alice. Anh ta nhìn nhầm cái hành lang trên lầu thành hàng lang ở khách sạn Lost Highway. Anh ta tưởng tượng ra một Alice dâm đãng trong căn phòng số 26. Hồi kết sắp điểm với Pete.
  • Tại sao Doppelgänger của Renee/Alice không chết?
    Chưa thôi. Cho đến trước lúc hết phim thì cô ta vẫn còn hữu dụng với Mystery Man trong việc xử lí Fred, Pete, Andy và Dick/Mr. Eddy nên Mystery Man vẫn chưa giết cô ta vội. Thậm chí có khả năng cô ta đã cùng hội cùng phe với Mystery Man từ đầu!
  • Con đường cao tốc kẻ vạch vàng có ý nghĩa gì?
    Đó là một con đường hai làn kẻ vạch vàng ở giữa, một con đường tăm tối dẫn đến bóng tối vô định. Để hiểu rõ vấn đề này ta hãy xem xét một chút đến ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh “con đường” trong lịch sử nước Mĩ: một điểm khởi đầu, một hành trình, một đích đến tốt đẹp hơn. Ví dụ rõ nét nhất trong phim ảnh đó là “con đường gạch vàng/yellow brick road” trong “Phù thủy xứ Oz”, dẫn Dorothy từ quê nhà đến Emerald City. Chỉ có điều trong Lost Highway, chủ thể chính không phải là phương hướng, cũng không phải là đích đến mà là chính bản thân con người. Mọi con đường đều dẫn về nhà của Fred.

Nếu bạn còn có thắc mắc gì về Lost Highway, hãy cứ đặt câu hỏi và tôi sẽ trả lời trong phạm vi có thể.


6. Psychogenic fugue meets Five Stages of Grief

Đây chính là giả thuyết tôi đã nghĩ đến đầu tiên khi xem xong lần đầu. Nhưng khi xem xét lại một cách kĩ lưỡng tính lôgic của mọi phân cảnh thì nó vẫn còn khá nhiều lỗ hổng. Dẫu sao thì đây cũng là một hướng đi hết sức thú vị và đã được David Lynch chỉnh sửa và mang lên một tầm cao mới trong Mulholland Drive. Nếu bạn đã hiểu rõ Mulholland Drive, bạn cũng sẽ hiểu được Lost Highway theo cách nghĩ này.

Xét về mặt tâm thần học, psychogenic fugue là một chứng bệnh điên-đa nhân cách hiếm gặp. Người ta kể về một ca bệnh thế này: có một luật sư người Mỹ thành công trong sự nghiệp, cha của hai đứa con xinh xắn trong một gia đình hạnh phúc. Song đột nhiên người đàn ông này rời khỏi gia đình, công việc và mất tích trong một thời gian dài. Sáu tháng sau đó ông ta được tìm thấy đã thay đổi tên họ và đang sống trong một thành phố khác. Người đàn ông này trước đó đã tìm đến bệnh viện, trong người không một xu dính túi, không giấy tờ và nói với các bác sĩ rằng ông vừa tỉnh dậy trên đường phố và không thể nhớ được mình là ai. Hai tuần sau khi được đưa trở về nhà, ông trở về trạng thái bình thường như 6 tháng trước khi rời khỏi nhà. Trạng thái kèm theo của chứng bệnh này là việc người bệnh bị mất toàn bộ/một phần trí nhớ và khả năng nhận thức trong một thời gian tạm thời, cho tới khi trạng thái bình thường bỗng nhiên đột ngột trở lại.

Còn nếu xét về mặt tâm lí học, giả thuyết này tuân theo mô hình “Năm giai đoạn buồn đau/Five Stages of Grief” của bác sĩ tâm lí học người Thụy Sĩ Kübler-Ross: phủ nhận, tức giận, van nài, trầm cảm và chấp nhận.

Từ đầu bộ phim cho đến trước cảnh Fred bị vào tù là do anh ta tưởng tượng – ẩn dụ của quá trình tiềm thức tìm ra sự thật, rằng: anh ta đã giết vợ và nhân tình của cô ta. Bắt đầu từ câu chuyện của Pete cho đến hết phim lại một lần nữa là tưởng tượng của Fred để thoát ra khỏi thực tại đau khổ trong tù, nhưng mơ vẫn chỉ là mơ, đến một lúc nào đó giấc mơ sẽ tan vỡ.

  • Phủ nhận thực tại
    Tiềm thức đang cố cảnh báo với Fred về những chuyện chẳng lành, rằng mọi chuyện không hề ổn như anh ta vẫn nghĩ nhưng anh ta vẫn đang chìm đắm quá sâu trong giai đoạn phủ nhận thực tại. Mở đầu là tiếng chuông cửa cùng giọng nói: “Dick Laurent đã chết.” và mức độ căng thẳng/báo động ngày càng tăng cao, đỉnh điểm là đoạn băng quay cảnh Fred ngồi cạnh cái xác của vợ. Fred không thể chối bỏ hiện thực được nữa. Anh nhận ra mình đã giết vợ.
  • Tức giận
    Giờ Fred ngồi trong tù. Anh ta biết mình sẽ bị trừng phạt bởi luật pháp bởi những gì đã xảy ra. Nhưng anh ta không nghĩ mình có tội. Mình cũng chỉ là một nạn nhân khác của chế độ và xã hội này mà thôi. Mình không giết người.
  • Van nài
    Cơn tức giận qua đi, nỗi hoảng sợ kéo đến. Fred không muốn chết. Anh ta tưởng tượng ra một thế giới khác hòng trốn tránh khỏi thực tại tàn khốc mà ở đó Pete là phao cứu sinh, là nhân dạng mới của anh ta. Cuộc sống của Pete là cuộc sống lí tưởng mà Fred hằng mong ước: còn trẻ, đẹp trai, lắm gái theo, một cuộc sống vô lo vô nghĩ. Tình cảm và tình dục của anh ta với Renee/Alice hoàn hảo, anh ta cắm sừng Dick/Mr. Eddy chứ không phải ngược lại….
  • Trầm cảm
    Nhưng khốn nỗi cái thế giới tưởng tượng của Pete cũng không kéo dài tốt đẹp được bao lâu. Mọi thứ bắt đầu vỡ vụn, từng chút từng chút một cái thế giới lí tưởng ấy dần sụp đổ kéo Fred trở lại với hiện thực. Mới ngày nào hai người còn hạnh phúc lứa đôi vậy mà giờ vợ anh đã chết. Giấc mơ tan vỡ và anh ta buộc phải chấp nhận nó.
  • Chấp nhận
    Fred chấp nhận Alice chính là Renee, Pete chính là mình, Mystery Man là những mặt đen tối nhất của anh ta: ghen tuông, điên rồ, xấu xa, tàn bạo… Một khi Fred quay trở lại nhà mình và nói câu: “Dick Laurent đã chết.” qua máy nghe thì đó cũng Fred đã trở về với chính mình. Cái vòng tuần hoàn đã được khép lại.


7. Outtro

Phim của Lynch không dành cho đại chúng, người ta thường có xu hướng hoặc yêu hoặc ghét phim của Lynch nhưng không ai có thể phủ nhận tính sáng tạo, tầm nhìn, độ điên và sự độc đáo mang tính duy nhất trong các tác phẩm của ông. Tôi thích một điều ở Lynch và ở Kubrick là cái sự cầu toàn đến phát xít trong công việc mình yêu thích. Có thể đôi khi nó gây khó chịu với những người làm cùng. Nhưng nó cũng mang lại những kết quả xứng đáng. Chính vì vậy cũng không có gì là quá đáng khi Lynch yêu cầu quá nhiều ở những người xem phim đến vậy. Phim của Lynch không phải là một cô gái xinh đẹp, dễ thương có thể dễ nhìn dễ thích ngay từ những cái nhìn đầu tiên. Hãy bỏ công sức tìm hiểu trên mọi khía cạnh, mọi góc độ và ta sẽ tìm thấy vẻ đẹp tiềm ẩn trong nó. Lúc đó cái ta đạt được sẽ là rất lớn.
Cảm ơn David Lynch – người đã mang đến cho chúng tôi những tuyệt phẩm xuất sắc đến vậy.

2 thoughts on “Lost Highway

  1. 16 là con số xuất hiện liên tục trong phim Mulholland Drive. Số 16-26-6 xuất hiện rất nhiều trong cả phim Lost Highway. Bạn có thể phân tích ý nghĩa của nó được không?

    Like

Leave a comment